Môn quy của Hệ phái Suzucho Karatedo
Chương I: Tên gọi – tôn chỉ và mục đích của Hệ pháiĐiều 1: Hệ phái có tên gọi SUZUCHO KARATEDO do Giáo sư Choji Suzuki sáng lập và làm Chưởng môn.
Điều 2: Hệ phái Suzucho Karatedo là một tổ chức quần chúng mang tính truyền thống, quy tụ các nam nữ thanh thiếu niên và người tự nguyện đăng ký nhập môn.
Điều 3: Mục đích của Hệ phái: – Đào tạo những con người lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần. – Góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân.
Điều 4: Nhiệm vụ của Hệ phái : – Tổ chức, phát triển phong trào Karatedo theo đường lối thể thao và luật pháp của nhà nước Việt Nam. – Đào tạo cho đất nước những vận động viên, trọng tài và huấn luyện viên xuất sắc. – Tăng cường hợp tác hữu nghị với các võ phái bạn, với Liên đoàn Karatedo Việt Nam và các tổ chức Karatedo quốc tế.Chương II: Môn sinh
Điều 5: Mọi người nam, nữ, trẻ, già đều có thể đăng ký nhập môn.
Điều 6: Điều kiện nhập môn: – Tự nguyện làm đơn xin nhập môn. – Môn sinh dưới 18 tuổi, phụ huynh hoặc người đỡ đầu làm đơn đứng tên xin cho con, cháu nhập môn. – Có tư cách đạo đức của một người công dân.
Điều 7: Quyền lợi và nghĩa vụ của môn sinh:
– Lên đến Huyền đai (Shodan) được quyền thảo luận và biểu quyết các vấn đề võ đường và Hệ phái.
– Phải chấp hành môn quy và các quy định của võ đường (Dojo)
– Tuân thủ mệnh lệnh của Võ sư và huấn luyện viên.
– Tham gia tập luyện đều đặn và góp phần phát triển Hệ phái.Chương III: Nguyên tắc và hệ thống tổ chức Hệ phái
Điều 8: – Hệ phái Suzucho Karatedo kế thừa truyền thống tổ chức của Cố chưởng môn đời thứ I (Choji Suzuki). Hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chưởng môn hiện hành thông qua một Ban Chấp hành Trung ương. Riêng tại Việt Nam còn được sự bảo trợ của Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam.
– Chưởng môn chỉ định Trưởng tràng
– Xét đề xuất của Trưởng tràng, Chưởng môn nghiên cứu đề ra quyết định thành lập Ban Chấp hành & Ban Thường vụ – Ban Kỹ chiến thuật truyền thống Suzucho
– Ban Kỹ chiến thuật thi đấu thể thao tranh giải
– Ban Tổ chức thi đấu, thi đai, tập huấn trọng tài
– Ban Tài chính
– Ban Y tế
– Các Khu vực trưởng và Ban Cố vấn.
– Chưởng môn thường xuyên theo dõi kết quả làm việc của Trưởng tràng và Ban Chấp hành. Không hiệu quả, Chưởng môn sẽ chỉ định cao đồ khác thay thế và trở thành Đời tiếp theo.
– Chưởng môn xem xét, nghiên cứu cụ thể báo cáo của Ban Chấp hành để ra quyết định thay thế, bổ sung những thành viên trong Ban Chấp hành Hệ phái.
Điều 9: Quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội Hệ phái:
– Báo cáo công tác trong 5 năm qua
– Xét và thông qua phương hướng, kế hoạch 5 năm tiếp theo.
– Lấy ý kiến của đại hội đúc kết, thẩm tra báo cáo Chưởng môn.
– Thẩm tra và quyết định kinh phí của Hệ phái.
– Lấy ý kiến của đại hội để đề xuất Chưởng môn sửa đổi điều lệ (môn quy) của Hệ phái.
Điều 10: Đại hội Hệ phái:
– Đại hội đại biểu Hệ phái phải 5 năm họp 1 lần.
– Trường hợp đặc biệt Ban Chấp hành Hệ phái sẽ triệu tập đại hội bất thường.
Điều 11: Số đại biểu đi dự đại hội do Ban Chấp hành Hệ phái quy định. Phải có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập, đại hội mới có giá trị.
Điều 12: Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành Hệ phái:
– Xây dựng kế hoạch thực thi nghị quyết của đại hội Hệ phái.
– Triệu tập đại hội thường kỳ và bất thường.
– Làm báo cáo và phương hướng kế hoạch công tác báo cáo trước đại hội.
– Làm quyết định khen thưởng và kỷ luật đối với các môn đồ từ cấp Ủy viên Ban Chấp hành trở xuống.
– Nghiên cứu báo cáo của Trưởng Khu vực để ra quyết định thay thế, bổ sung các Trưởng Phân khu vực, Phân chi khu.
– Làm báo cáo lên Chưởng môn.
Điều 13: Ban Thường vụ gồm Trưởng tràng và 01 Phó Trưởng tràng – Tổng thư ký.
Điều 14: Nhiệm vụ của Ban Thường vụ:
– Thay mặt Ban Chấp hành điều hành Hệ phái theo nghị quyết của đại hội và Ban Chấp hành Hệ phái.
– Quyết định những công việc khẩn cấp.
Điều 15: Nhiệm vụ của Trưởng tràng và Phó Trưởng tràng:
– Trưởng tràng chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Hệ phái.
– Chủ trì cuộc họp của Ban Chấp hành và của Ban Thường vụ Hệ phái.
– Ký các văn bản quan trọng của Hệ phái.
– Báo cáo trước Ban Chấp hành Hệ phái dự thảo báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt động đọc tại đại hội.
– Phó Trưởng tràng giúp việc cho Trưởng tràng, tùy theo sự phân công của Trưởng tràng.
Điều 16: Nhiệm vụ của Tổng thư ký:
– Chịu trách nhiệm công tác hành chính tổng hợp – kế hoạch của Hệ phái.
– Thay mặt Ban Thường vụ giải quyết các công việc.
– Theo dõi hoạt động của các Ban, các Khu vực.
– Ký các văn bản do Trưởng tràng ủy nhiệm.
– Báo cáo tình hình Hệ phái tại phiên họp của Ban Thường vụ.
Điều 17: Nhiệm vụ của Trưởng khu vực:
– Trưởng khu vực có trách nhiệm thành lập một Ban Chấp hành khu vực.
– Trưởng khu vực có trách nhiệm chọn các Trưởng Phân khu.
– Trưởng phân khu có trách nhiệm chọn các Trưởng Phân chi khu.
– Trưởng Phân chi khu quản lý trực tiếp các Phân chi khu.
Điều 18: Các ban của Hệ phái:
18.1. Ban kỹ – chiến thuật truyền thống Suzucho Karatedo: – Nghiên cứu, hệ thống hóa kỹ thuật đặc trưng của Hệ phái, xây dựng nền Karatedo truyền thống Suzucho ngày càng lớn mạnh. – Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho huấn luyện viên Karatedo truyền thống.
18.2. Ban kỹ – chiến thuật hiện đại thi đấu giải: – Nghiên cứu, hệ thống kỹ thuật hiện đại của 4 Hệ phái trong Liên đoàn Karatedo thế giới để phối hợp hợp lý với đặc trưng của Hệ phái – cải tiến phương pháp huấn luyện và tập luyện. – Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho huấn luyện viên, trọng tài Karatedo Shiai (tranh giải thể thao) chọn huấn luyện viên và trọng tài gửi đi tập huấn cao hơn.
Điều 19: Nhiệm vụ Ban thi đai, thi đấu, tập huấn trọng tài:
– Soạn tháo dự án, điều lệ tổ chức giải cho các khu vực mỗi năm một lần và cho Hệ phái 5 năm một lần – Nghiên cứu điều lệ các giải Quốc gia thi đấu luật WKF để có kế hoạch động viên, hỗ trợ mọi mặt cho các đơn vị tham gia giải từ cấp tỉnh đến các giải do UBTDTT tổ chức.
– Soạn thảo dự án, quy chế thi đai đẳng của Hệ phái.
– Soạn thảo dự án, động viên, hỗ trợ để các khu vực tổ chức các kỳ thi Huyền đai theo quy chế thi đai đẳng của UBTDTT ban hành.
– Đào tạo đội ngũ trọng tài theo luật thi đấu của WKF, giới thiệu môn đồ thi trọng tài do UBTDTT tổ chức.
Điều 20: Nhiệm vụ của Ban Tài chính:
– Quản lý việc thu chi tài chính của Hệ phái.
– Lập kế hoạch tài chính và quyết toán thu chi hằng năm để báo cáo Ban Chấp hành Hệ phái.
– Xây dựng kế hoạch gây quỹ cho Hệ phái.
Điều 21: Nhiệm vụ của Ban Y tế:
– Nghiên cứu, hệ thống kiến thức về pháp y, phổ biến sơ cấp cứu cho huấn luyện viên.
– Chịu trách nhiệm về y tế trong các giải thi đấu nội bộ và thi đai đẳng Hệ phái.
Điều 22: Nhiệm vụ của Ban Ngoại vụ:
– Quan hệ với Takeno Uchi Ryu, với Hệ phái truyền thống tại Nhật Bản
– Quan hệ với các Liên đoàn thuộc tổ chức Liên đoàn Karatedo thế giới.
– Theo dõi các giải quốc tế.
– Sưu tầm và dịch các tài liệu về Karatedo quốc tế và của Takeno Uchi Ryu.
Điều 23: Nhiệm vụ của Ban Cố vấn: (Ban Cố vấn gồm các môn đồ cao đẳng của Hệ phái, do Ban Chấp hành Hệ phái mời tham gia)
– Theo dõi hoạt động của Ban Chấp hành, đóng góp ý kiến để Hệ phái ngày càng lớn mạnh hơn.Chương IV: Khen thưởng và kỷ luật
Điều 24: Môn sinh có đạo đức, thành tựu công phu, đoạt huy cương quốc tế, giúp phát triển và làm rạng danh môn phái sẽ được khen thưởng.
– Hình thức khen thưởng từ tuyên dương, giấy khen, tặng hiện vật, đặc cách đẳng cấp.
Điều 25: Môn sinh làm trái môn quy và nghị quyết của Hệ phái sẽ bị xử lý kỷ luật, từ khiển trách, cảnh cáo, khai trừ khỏi Hệ phái (Trường hợp khai trừ sẽ thông báo đến ngành TDTT các cấp và thông báo đến các võ phái bạn).
Điều 26: Môn sinh được khen thưởng hay bị kỷ luật thuộc cấp nào phải do Phân khu, BCH khu vực đó đề nghị – cấp trên trực tiếp quyết định.
– Các Trưởng Phân chi khu, Trưởng Phân khu, các thành viên trong BCH Hệ phái nếu bị kỷ luật, căn cứ đề nghị của các cấp quản lý và Ban Chấp hành Hệ phái thông qua tại hội nghị, Chưởng môn chuẩn y và ra quyết định.Chương V: Tài chính
Điều 27: Nguồn kinh phí của Hệ phái gồm:
– Quỹ thu của các Phân khu vực.
– Lệ phí cấp bằng.
– Tiền và hiện vật ủng hộ của các Mạnh Thường Quân…
– Tiền do các hoạt động gây quỹ, tổ chức biểu diễn, xuất bản sách, báo.
Điều 28: Các khoản chi của Hệ phái:
– Cho các hoạt động văn phòng Ban Thường vụ và các ban khác.
– Chi phí cho các lớp tập huấn, thi đai đẳng, đào tạo huấn luyện viên, trọng tài.
– Chi phí cho các giải đấu Hệ phái và hỗ trợ cho các phân khu có đội tuyển đi tham gia các giải Quốc gia và Quốc tế.
– Chi phí cho các quan hệ Quốc gia và Quốc tế.
Điều 29: Nguyên tắc thu chi:
– Phân chi khu thu quỹ của môn sinh hàng tháng, sau mỗi quý Phân chi khu sẽ trích phần trăm gửi về phân khu, phân khu trích phần trăm gửi về khu vực và khu vực sẽ trích phần trăm gửi về tài khoản của Hệ phái.
– Trưởng Ban tài chính và Thường vụ Hệ phái, Khu vực trưởng, Trưởng phân khu và Trưởng phân chi khu chịu trách nhiệm về mọi khoản thu chi và quyết toán của cấp đó.Chương VI: Sửa đổi môn quy
Điều 30: Tôn chỉ và mục đích của Hệ phái minh định nơi chương I và các điều khoản quy định nơi chương này không được sửa đổi.
– Nguyên tắc và truyền thống tổ chức của Giáo sư Chưởng Tổ Suzuki Choji cho Hệ phái nơi chương III điều 8 không được sửa đổi.
– Sự sửa đổi bản môn quy (nếu có) không được trái với tôn chỉ, mục đích và truyền thống tổ chức đã nêu lên nơi chương I và chương III điều 8.
– Mỗi khi muốn sửa đổi một điều khoản nào trong bản môn quy này, Ban chấp hành Hệ phái phải triệu tập một đại hội đại biểu toàn quốc phải có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập, đại hội mới có giá trị.
HỆ PHÁI SUZUCHO KARATEDO
CHƯỞNG MÔN
TOKUO SUZUKI
About the author : admin
Latest videos
Join our mailing list today
Insider offers & flash sales in your inbox every week.
Curabitur non nulla sit amet nisl tempus convallis quis ac lectus dolor sit amet, consectetur adipiscing elit sed porttitor lectus.