Tiểu sử Tổ sư Choji Suzuki và Chưởng môn đời thứ II Tokuo Suzuki Hệ phái Suzucho Karate-do

 SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TỔ SƯ CHOJI SUZUKI
(Phan Văn Phúc)

Tổ sư trường phái suzucho karatedo
(10 – 6 – 1919 – 06 – 2 -1995)

TỔ SƯ CHOJI SUZUKI SUZUCHO KARATEDO RYU 
Choji Suzuki sinh ngày 10 tháng 6 năm 1919 tại Thành phố Tagajo Shi, Tỉnh Miyagiken miền bắc Nhật Bản. Ông là người con cả trong một gia đình có 4 anh em: Choji Suzuki, Minoru Suzuki, Masako Suzuki và Isao Suzuki. Suzuki là một dòng họ quyền quý danh gia ở Nhật Bản tại miền đất Matsushima. Từ năm 8 tuổi đến năm 18 tuổi, ông học Tiểu học và Trung học ở Kasagami. Trong thời gian này ông tập Nhu đạo ở trường Kasagami và năm 13 tuổi, ông được thân phụ gửi đến thọ giáo với một thiền sư dạy Karate trong vùng đó là Thầy Sigimoto Tadao, có nguồn gốc võ thuật từ Naha – Te.
Ẩn cư tu tập:
Thời gian này, ở Nhật Bản các phái võ đều bị cấm đoán. Một vị tu sĩ Phật giáo đã giúp ông ẩn cư trong một tu viện trên núi. Suốt cả ngày lẫn đêm ông phải ở trên núi để luyện tập Karatedo (Không Thủ Đạo), Kendo (Kiếm Đạo), Jujutsu (Nhu Thuật) trong những điều kiện hết sức khó khăn. Có lẽ vì thế, sau này ông chọn Thành phố Huế cổ kính và sâu lắng làm nơi ẩn cư và phát triển võ học. Kỷ niệm này ông vẫn thường hay kể lại cho những người thân và học trò của mình. Ba tháng đầu tiên tất cả những gì ông phải làm là hằng ngày ông ngồi dùng tay chụp bắt những con ruồi bâu vào chén có chứa đường hoặc nó bay trước mặt. Đó là một cách để rèn luyện lòng kiên nhẫn và sự phản xạ nhanh nhẹn của tay và mắt. Và cứ như thế, ông tập luyện cho đến khi nào cảm thấy đôi cánh tay mình như muốn rời ra. Đó cũng là một thử thách đầu tiên để xem ông có chấp nhận được hay không và ông đã vượt qua. Ba năm sau, ông được Đại sư Asano Zenkisti (sư phụ của Thầy Sigimoto Tadao) huấn luyện để trở thành một một tu sĩ. Asano cũng có mối quan hệ thân tình với thân phụ Choji Suzuki. Asano Zenkisti tiếp tục truyền dạy Karate Hệ phái Take No Uchi Ryu (Trúc Chi Nội Lưu) cho ông, đó là một trong những hệ phái Karate cổ nhất. Choji Suzuki đã luyện tập chăm chỉ trong tám năm. Mỗi buổi sáng sớm, ông đều phải chạy lên đỉnh núi để tập luyện. Mùa đông, chỉ với bộ võ phục mong manh, hằng ngày ông vẫn kiên trì ngồi trên tảng đá đầy tuyết và trầm tư tham thiền mặc cho cơ thể ông chống chọi lại với những cơn gió lạnh nhất. Đến năm 21 tuổi, ông rời tu viện sau đó được Thiền sư Kisa Buroo, trụ trì ngôi chùa Shiogama Shinza nổi tiếng tại Thành phố Shiogama, Tỉnh Miyagiken (cạnh Thành phố Tagajo Shi, Miyagiken nơi ông sinh sống) truyền thụ Karate và pháp môn Thiền tông Tào Động (Tsao-t’ung hay Soto) do Thiền sư Dogen Kigen (1200-1253) sáng lập. Ông là một trong ba cao đồ hiếm hoi của Đại sư Kisa Buroo. Thời gian này ông là sinh viên của Trường Đại học Y khoa Tokyo và vừa làm thêm ở một hãng xe ô tô ở Thủ đô Tokyo Nhật Bản. Choji Suzuki rất say mê môn võ Karate và nghiên cứu Phật học.
Phát triển võ học:
Năm ông 21 tuổi, Choji Suzuki đã đạt tới sự hiểu biết đúng đắn các kỹ thuật và triết lý của môn võ Karate thì cũng là lúc ông phải gia nhập quân đội Thiên hoàng vào năm 1940. Ông đã rời quân trường sang Mãn Châu năm 1942. Sau đó, ông sang Mã Lai năm 1943. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, một tàu chiến của Nhật Bản mà ông tham gia chiến đấu đã bị chìm trên biển Thái Bình Dương. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển với tấm ván nhỏ, ông được một tàu đánh cá cứu sống rồi tới Việt Nam năm 1944. Đến năm 1945, Nhật đầu hàng, kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai ông ở lại Việt Nam tham gia Mặt trận Việt Minh và công tác ở Liên khu 4 (Thanh Hoá). Sau đó, ông chuyển vào Liên khu 5 (Quảng Ngãi) phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ y tế tại vùng Chợ Chùa cung cấp cho Mặt trận và dạy những bài võ Karate đầu tiên cho du kích, tự vệ. Đến năm 1952, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Minh Lệ (Cô Năm) – Người nữ cứu thương của Liên khu năm gốc Tam Quan – Bình Định và lấy họ tên Việt là Phan Văn Phúc. Họ có ba người con là: Phan Thị Ngọc Mỹ (Michiko Suzuki), Phan Văn Minh Đức (Tokuo Suzuki), và Phan Văn Minh Ý (Eiji Suzuki). Sau Hiệp định Geneve 1954, đến tháng 11 năm 1959 ông cùng gia đình chọn Thành phố Huế làm nơi sinh sống và phát triển võ học. Năm 1960, ông thành lập Đạo đường Suzucho Karate-Do Ryu Suzuki Dojo Noen tại số 8 – Võ Tánh (hiện nay là đường Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Huế để dạy Karatedo và Judo, khai sinh Trường phái Suzucho Karatedo. Mặc dù vậy, đến năm 1963 Đạo đường (võ đường) mới chính thức hoạt động.
Đất Thần kinh nguyên là miền đất võ – nơi phát tích, ươm mầm hội tụ của rất nhiều võ phái cổ truyền những thế kỷ trước, đặc biệt từ triều Nguyễn nhưng Karatedo vẫn có sức thuyết phục thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tại địa phương này. Tuy nhiên, Thầy Choji Suzuki chỉ chọn năm, bảy học trò để truyền dạy võ học của mình với môn quy rất nghiêm khắc để sau này không những rèn luyện tâm trí, đạo đức qua võ thuật mà họ còn tiếp nối phát triển Trường phái Suzucho Karatedo. Mặc dù trong quá trình học tập vẫn có học trò làm Thầy không vui nhưng họ luôn được cảm hoá bằng lòng vị tha và tình yêu thương. Thầy, Cô rất thương yêu học trò, luôn tạo điều kiện cho những học trò có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Trong tập luyện Thầy rất nghiêm khắc, đầu tiên người môn sinh Karatedo phải học Lễ tiết (những ứng xử tôn trọng lễ giáo, trong Karatedo bắt đầu bằng chữ Lễ và kết thúc cũng bằng chữ Lễ). Sau đó, họ phải biết lắng nghe lời khuyên, nghiêm huấn của thầy và của những bậc trưởng thượng thuộc các trường phái khác. Để tiến bộ, môn sinh phải nỗ lực đạt được tinh thần đích thực của Không Thủ Đạo. Đối với Thầy, Không Thủ Đạo là một con đường tinh luyện bản tính con người và thanh tịnh hóa tâm thức, sự cẩu thả không cho phép trong hoàn cảnh nào. Việc tập luyện được đặt ra phải liên tục và học mỗi lần một ít nhưng không được nghỉ ngang. Mỗi ngày môn sinh phải tự giác hoàn thiện bản thân ba mặt: Trí dục, Đức dục và Thể dục, không để mờ nhạt, thoái hóa. Khi đã thăng tiến thực sự, người tập Không Thủ Đạo không được khoe khoang, hãnh tiến. Theo Thầy, thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tự ti, tự mãn là căn bệnh làm thất bại việc luyện tập bởi Karatedo cũng là một môn nghệ thuật tức không có điểm dừng. Một đòn thế căn bản của Karatedo tập hàng vạn lần nhưng không đơn điệu mà là nâng cao đó là tuyệt kỹ. Thầy Choji Suzuki là người nhân từ và luôn khiêm tốn nhưng chưa bao giờ từ chối một cuộc thách đấu của ai. Ngày mở khóa đặc biệt để đào tạo huấn luyện viên, Thầy đã từng chỉ bỏ tính kiêu căng và lòng tự mãn cho một võ sư người nước ngoài vào võ đường ông thách đấu. Kết quả, sau sáu tháng điều trị chấn thương vì gãy hai xương sườn người này đến xin ông thụ giáo. Giờ huấn luyện Thầy Choji Suzuki thường giảng về Võ đạo, Võ sử, Võ lý, sau đó mới ứng dụng thực hành kỹ thuật. Để minh họa đối kháng tự do ông giao đấu với các học trò lớn của mình rất ngoạn mục, thường thì một mình ông đấu với ba, bốn người và một tay ông không động thủ nhưng thân pháp thì cực kì nhanh nhẹn tưởng như tương phản với ngoại hình. Thầy luôn nhắc nhở học trò trong sinh hoạt hằng ngày không được nói dối, tham lam, vô cảm và hèn nhát. Trong văn hóa ứng xử giao tiếp của Không Thủ Đạo, người môn sinh luôn luôn biết xin lỗi, cảm ơn và cúi đầu chào người đối diện trước khi bắt tay xã giao. Người môn sinh Không Thủ Đạo phải biết tự hóa giải nóng giận và lo sợ, chi tiêu phải tiết kiệm, tránh ăn uống quá độ, thừa thải, say rượu. Cấm không được hút thuốc lá, chửi thề và phóng xe vượt ẩu vì những thói hư tật xấu này làm ngăn trở hiệu năng của việc luyện tập và ảnh hưởng đến văn hóa đạo đức Karatedo. Theo Thầy, việc luyện tập luôn lấy Kỷ và Luật làm đầu. Trong Không Thủ Đạo không có giới hạn, việc học là không ngừng nhưng phải dựa trên nguyên lý khoa học, thẩm mỹ học, cơ thể học để sáng tạo và phát triển. Người thầy chỉ là người mở đường để những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra và nhiều thêm. Trong đó, “Chuyên cần tập luyện rồi một ngày kia môn sinh sẽ trực ngộ” hoặc “Học võ để biết lợi hại của võ thuật mà phòng tránh và ứng dụng nó vào văn hóa ứng xử đúng đạo làm người chứ không sử dụng vào mục đích xấu”. Cuối cùng, nhưng có lẽ là quan trọng nhất: “Các con không nên chú tâm vào chiến tích thấy được e dễ rơi vào cuồng vọng, bớt chuộng hư vinh. Mục đích của Không Thủ Đạo là phải tự chiến thắng chính mình, đó mới là sự chiến thắng thượng thừa nhất của người võ sĩ Không Thủ Đạo”.
Trong sinh hoạt đời thường, Thầy Choji Suzuki có lối sống rất bình dị, không quan tâm chuyện lợi danh. Ông chủ trương phát triển võ thuật nhưng không thương mại hóa võ thuật. Ông ăn uống thích hợp, đơn giản và cho rằng nền tảng sức khỏe nằm trong thực phẩm chúng ta dùng hằng ngày. Về trang phục, Thầy luôn tươm tất sạch sẽ, không cầu kỳ. Sở thích của Thầy là đọc sách, dã ngoại, du lịch nhiều nơi để hiểu biết mà làm giàu tri thức; thích gần gũi thiên nhiên và nghiên cứu Võ học, Phật học. Thầy cho rằng Karatedo là một con đường tu dưỡng thân tâm đưa con người đến đỉnh cao bừng sáng trong tuệ giác và đạo đức, phẩm hạnh con người không chỉ là nền tảng của một cuộc sống có ý nghĩa mà còn là bản lề của sự thành công. Thân không bệnh, tâm không loạn, thân và tâm đều không vướng mắc đó là chân hạnh phúc của đời người. Vào thời kỳ này (năm 1960), tuy Thầy đã thành lập Đạo đường nhưng việc mở lò dạy võ phương Đông chính quyền chưa ủng hộ. Muốn phát triển trên diện rộng nên ông dạy võ ở Ty cảnh sát thời ấy. Trước tình hình đó, mãi đến ngày 01 tháng 1 năm 1963 thầy Choji Susuki mới chính thức khai giảng võ đường, truyền thụ cho một số môn đồ tâm huyết làm nòng cốt. Khoá võ sinh đầu tiên ông đã chọn lọc rất kĩ chỉ nhận một ít học trò, trong đó có ông Nguyễn Nhuận* (đã mất) là học trò đầu tiên, học trò thứ hai là ông Trần Đình Tùng, học trò thứ ba là ông Ngô Đồng (ông Đồng đã mất), thứ tư là ông Khương Công Thêm, tiếp đến là Bảo Trai, Trương Bá Lộc, Nguyễn Xuân Dũng* (ông Dũng đã mất), Hạ Quốc Huy, Vĩnh Tung, v.v… Thầy luôn nhắc nhở học trò: “Người Võ sĩ đạo với tính tự tin và nhẫn nhục là hai trong những đức tính căn bản nhưng đôi khi tuổi trẻ thường chủ quan vì hơn kém mà dễ dẫn đến hành động sai lạc”. Theo Thầy: “Dụng ý bất dụng lực”, hoặc “Tinh lực thiện dụng, tự tha cộng vinh”, các con nên “Khuất phục kẻ xấu bằng con đường hòa bình chính là mục đích của Karatedo” và “Làm giàu tri thức là làm giàu ứng xử, giúp người là giúp mình”. Hoặc “Hãy xem nhẹ phần Võ thuật để đi vào tinh túy của Võ đạo bằng sự cởi mở của tâm hồn và tinh thần phóng khoáng”, có khi Thầy cho rằng: “Trong sâu thẳm của Karatedo có hai phần: Võ thuật và Võ đạo. Võ thuật tức là thuật đánh võ, chỉ đủ để giúp con người biết võ hoặc tinh thông để trở thành nghề võ, còn Võ đạo mới đưa con người đến tận cùng của cái biết võ mà hành võ. Đạo chính là đẳng cấp cao nhất, là sự giác ngộ mà người tập võ chân chính phải có hoài bão đạt đến”. Khi thiết kế phù hiệu trường phái, thầy Choji Suzuki giải thích: Biểu tượng đóa hoa sen sáu cánh ở giữa tượng trưng cho lục hòa và sự giác ngộ. Hai đóa hoa anh đào hai bên tượng trưng cho sự giản dị, tinh khiết. Nắm đấm bên trái mang ý nghĩa luôn nhắc nhở người tập phải có trái tim nhân ái và đối xử công bằng với mọi người. Ngoài ra, nắm đấm còn nhắc nhở môn sinh phải chăm chỉ rèn luyện kỹ thuật bên trái cũng thuận như bên phải. Màu đen, trắng của nắm đấm tượng trưng cho Âm – Dương. Màu đỏ của hoa sen biểu trưng cho sức sống, quyền lực, bác ái và hướng đến tương lai. Màu xanh của chữ tượng trưng cho sự chân thật, tự do, hòa hợp, hòa bình. Từ khi võ đường Suzucho Karatedo Ryu Suzuki Dojo Noen được thành lập, nó thu hút rất nhiều võ sinh, đa phần là sinh viên, học sinh bằng phương pháp truyền thống rất phong phú, khoa học và thực dụng như phương pháp Te Waza, Te Ashi Waza, Uke Waza, Ozodosa, v.v… Ngoài ra, Thầy còn truyền thụ cho những học trò tâm đắc phương pháp sử dụng binh khí Hệ thống Kobudo và kỹ thuật Trấn môn (Kumanote). Hệ thống đào tạo của Thầy cho một môn đồ lên đến Huyền đai ngoài các nội dung chương trình như về kỹ thuật căn bản (Kihon Waza), đối kháng (Kumite), quyền pháp (Kata) còn phát triển chuyên sâu sở đắc về phương pháp sơ cứu chấn thương (Kuatsu), v.v… Hệ thống quyền pháp của Suzucho Karatedo Ryu rất phong phú gồm có các bài quyền phổ thông như: TJ Kata, HJ Kata, Yoko Kata, Sankanku Kata, Ashi Waza Kata (80 thế), ngoài ra còn có các bài quyền đặc dị như Maki, Yen Kata, v.v… nổi bật là các bài Maki Sandan Kata (84 thế) và Yen Rokudan Kata (120 thế).
Triết lý:
Suzucho là từ ghép giữa họ Suzuki và tên của ông là Choji (Linh Mộc Trường Trị) hay Linh Trường. Nó cũng có nghĩa là thể hiện khát vọng lưu truyền sự nghiệp cho hậu thế như Tiếng chuông vang xa nên có tên gọi là Suzucho Karatedo (Linh Trường Không Thủ Đạo). Khi khai sinh ra Trường phái Suzucho Karatedo với kỹ thuật đặc trưng và hệ thống khoa học, thầy Choji Suzuki lấy 9 bài quyền để hệ thống quyền thức tiêu biểu gồm 6 bài Yen và 3 bài Maki. Con số 6 tượng trưng cho Lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), Lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc: cảm giác ở thân, pháp: cảnh ở tâm), Lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Con số 3 tượng trưng cho những tính chất Tốt, Xấu và Vô ký tính (không tốt không xấu). Nhiều người cho rằng con số 9 rất đặc biệt vì tính chất không bao giờ thay đổi cho dù bạn nhân nó với bất kì số nào (9 x 3 = 27 và 2 + 7 = 9 hay 9 x 9 = 81 và 8 + 1 = 9, v.v…). Nó chỉ vạn vật phân tán đến cực độ có thể hoặc dùng bội số của số 9 để biểu thị số mục nhiều. Ngoài ra, nó luôn được coi như biểu trưng của quyền uy, sức mạnh và may mắn. Số 9 là sự phối hợp những yếu tố tượng trưng mang ý nghĩa cho sự toàn vẹn, viên mãn của Trời – Người – Đất. Đối với võ học, con số 9 còn mang ý nghĩa khác hàm chỉ người chuyên cần tập luyện thiền định đỉnh cao sẽ hiểu được sự an trú của cảnh giới Vô sắc.
Maki ( ):
Maki là quyển (cuộn) hoặc quyền lực, sức mạnh. Ở đây, nó còn mang thêm một ý nghĩa khác là sức mạnh tinh thần, giúp nhận thức đúng đắn về mọi lẽ Được – Mất, Hơn – Thua, Thắng – Bại, Vinh – Nhục, Giàu – Nghèo, Khen – Chê… của thế sự, người đời. Đó là sức mạnh tự thắp sáng để chúng ta vượt qua những ghềnh thác trong phận người. Người học từ đó un tập để phát triển tuệ giác chiến thắng bản thân.
Yen ( ):
Yen là đồng tiền, mang ý nghĩa về sự giàu có. Đồng tiền có hai mặt, tốt hay xấu là tùy cách sử dụng của mỗi người, biết thì làm cho nó có ích, không biết thì bị nó làm hại. Ở đây, Yen không những chỉ sự sung mãn về vật chất mà còn là giàu có tri thức, giàu có lòng nhân ái và hành xử công bằng. Đó là quá trình tinh luyện bản tính con người, thanh tịnh hóa tâm thức để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp cho hiện tại và mai sau. Chín bài quyền đó có phong cách thanh tao, uyển chuyển của nghệ thuật Không Thủ Đạo cổ truyền Viễn Đông. Sau này, chúng đã trở thành những bài quyền đặc dị của Trường phái Suzucho Karatedo.
Cũng từ chiếc nôi này, học trò của Thầy không những rèn luyện đầy đủ yếu tố tinh thần và thể chất của Võ sĩ đạo để phát triển Trường phái Suzucho Karatedo mà còn lan tỏa rộng khắp do ứng dụng nghệ thuật Karatedo trong đời sống. Phần lớn họ đã thành danh ở rất nhiều lãnh vực, có người trở thành nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, ca sĩ, doanh nhân, v.v… Mỗi môn sinh đều cho rằng Karatedo là con đường của cuộc sống, là một loại hình nghệ thuật cần trau dồi luyện tập suốt đời không coi trọng những Thắng – Bại, Hơn – Thua, Được – Mất, v.v… ở cõi người. Họ đề cao sự hợp tác, không ai là đối thủ mà là những người anh em giúp nhau cùng tiến bộ. Karatedo là con đường đi xuyên suốt phận người để hoàn thiện nhân cách. Nhằm bảo tồn truyền thống và kết hợp với tinh hoa của Karate quốc tế, từ thời gian trước đến nay Suzucho Karatedo Ryu đã có các hệ phái, chi phái, phân đường của học trò Thầy Choji Suzuki phát triển lấy tên Hán Việt như: Karate Minh Đạo (1966) của Võ sư Nguyễn Nhuận, Karate Cương Nhu (1966) của Võ sư Ngô Đồng, Karate Quyền Đạo Việt Nam (1982) của Võ sư Hạ Quốc Huy (Huyền đai Đệ Cửu đẳng) và các Phân đường như: Nhân Trí Dũng của Võ sư Hoàng Như Bôn (Huyền đai Đệ Bát đẳng), Nghĩa Dũng của Võ sư Nguyễn Văn Dũng (Huyền đai Đệ Thất đẳng) và có nhiều Phân đường mang nhiều ý nghĩa khác như Bodankumi của Võ sư Lê Văn Thạnh (Huyền đai Đệ Cửu đẳng), Sakura của Võ sư Ngô Văn Thanh (Huyền đai Đệ Bát đẳng), Choju của Võ sư Trương Đình Hùng (Huyền đai Đệ Bát đẳng), Fuji của Võ sư Nguyễn Tấn Kiệt (Huyền đai Đệ Bát đẳng), Shiro Uma của Võ sư Nguyễn Đình Kỉnh (Huyền đai Đệ Thất đẳng) v.v… Từ khi hình thành và phát triển đến nay, Trường phái Suzucho Karatedo có 15 đời Trưởng tràng: Nguyễn Nhuận (1966), Khương Công Thêm (1967), Nguyễn Xuân Dũng (1968-1970), Hạ Quốc Huy (1970), Trần Đình Tùng (1971), Hoàng Như Bôn (1972), Nguyễn Bá Kiều (1973), Lê Văn Thạnh (1973-1986), Ngô Văn Thanh (1986-1987), Lê Văn Thạnh (1987-1989), Hoàng Như Bôn (1989-1990), Khương Công Thêm (1990-1994), Nguyễn Văn Dũng (1995-2006), Lê Văn Thạnh (2006-2012), Lê Văn Thạnh (2012-2017). Bằng nhiều hình thức phát triển Trường phái Suzucho Karatedo và nền Karatedo Việt Nam, các cao đồ của thầy Choji Suzuki đã có nhiều cống hiến góp phần quảng bá làm rạng danh Suzucho Karatedo Ryu giai đoạn đầu từ năm 1963. Đó là những tác phẩm xuất bản đầu tiên về Trường phái Suzucho Karatedo như cuốn: Huyền đai Karate (NXB Khai Trí – 1967), Linh hồn Không Thủ Đạo (1970), Kỹ thuật Nunchaku (1974) của Võ sư Nguyễn Xuân Dũng, Bài quyền Karate của Võ sư Hạ Quốc Huy (1970). Sau này, còn có nhiều tác phẩm khác như: Karate – Bài quyền từ đai trắng đến đai đen của Võ sư Nguyễn Văn Dũng (NXB Thuận Hoá – 2007), Giáo trình chuẩn hoá kỹ thuật quyền pháp Suzucho Karatedo Ryu và Giới thiệu Karatedo Thể thao của Võ sư Lê Văn Thạnh (NXB Thuận Hoá – 2009), Kỷ yếu Suzucho Karatedo Ryu – Võ đường Karatedo Bạch Mã (2012) của Võ sư Nguyễn Đình Kỉnh, Karatedo – Nghệ thuật tự vệ thực dụng của Võ sư Phan Chi (NXB Thuận Hoá – 2013), Bunkai Te Waza 50 Thế của Võ sư Haruo Suzuki (Ngô Văn Quý) (2017); Đạo đường Choju Suzucho Karatedo một chặng đường của Võ sư Trương Đình Hùng (2017); Hành trình đến với Suzucho Karatedo Ryu của Võ sư Haruo Suzuki (Ngô Văn Quý) (2018) … Ngoài chiếc nôi Suzucho Karatedo Ryu ở Thành phố Huế, các võ đường của trường phái này đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1969 là Champion Karate, 193 – Trần Hưng Đạo và ở Gia Định là võ đường Bảo Quốc. Các võ đường này do Võ sư Nguyễn Xuân Dũng, Ngô Văn Thanh, Hà Thúc Giác, Nguyễn Chí Trí phát triển. Sau đó, còn có võ đường của Võ sư Nguyễn Thông phát triển ở Sài Gòn và Võ sư Võ Đại Vạn phát triển ở Gia Định…




Sau năm 1975, tại Thừa Thiên Huế – chiếc nôi của nền Karatedo truyền thống, có rất nhiều học trò đã tiếp nối bước thầy qua nhiều hình thức phát triển trường phái. Tại Thủ đô Hà Nội năm 1979, Suzucho Karatedo Ryu được quảng bá do Võ sư Nguyễn Thành Tự phát triển. Đến năm 1984, Võ sư Lê Văn Thạnh (Đệ Cửu đẳng Karatedo Suzucho Ryu, Đệ Ngũ đẳng Karatedo Shotokan Ryu, Trưởng tràng Hệ phái Suzucho Karatedo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Karatedo Việt Nam, Huấn luyện viên Đội tuyển Karatedo Việt Nam, Trọng tài Quốc gia, Trưởng bộ môn Karatedo Thừa Thiên Huế, Chuyên gia Karatedo Đội tuyển Lào) đã phát triển Suzucho Karatedo Ryu trên diện rộng. Ngoài ra, còn có nhiều cao đồ rất nổi tiếng đã góp phần cống hiến làm nên sự nghiệp Karatedo Việt Nam vẻ vang như Võ sư Nguyễn Văn Dũng, Võ sư Ngô Văn Thanh, Võ sư Nguyễn Đình Kỉnh ở Thừa Thiên Huế, Võ sư Nguyễn Thành Tự ở Đà Nẵng, Võ sư Lê Công ở Hà Nội, Võ sư Nguyễn Tấn Kiệt ở Nha Trang, Võ sư Nguyễn Ngọc Thạo, Võ sư Đoàn Thanh Yến, Võ sư Hoàng Công Minh ở TP. Hồ Chí Minh, Võ sư Trương Đình Hùng ở Đồng Nai, Võ sư Lê Văn Thành ở Đà Lạt, v.v… đã phát triển trong và ngoài nước hàng vạn môn sinh Karatedo. Bên cạnh đó, còn có các võ sư: Khương Công Thêm, Trương Bá Lộc, Phạm Lạc, Võ Đại Vạn, Trần Định, Hoàng Như Bôn, Tôn Vĩ Đại, Trương Dẫn, Trần Văn Thuận, Nguyễn Bá Kiều, Trương Đình Dũng, Nguyễn Thông, Mai Văn Đạt, Phan Hữu Bốn, Nguyễn Văn Hóa, Trần Văn Lợi, Phan Chi, Nguyễn Đăng Lộc, Nguyễn Mạnh Thắng, Lê Văn Lộc, v.v… cũng có những đóng góp rất đáng kể. Ở nước ngoài có rất nhiều võ sư thành danh đã phát triển Trường phái Suzucho Karatedo lớn mạnh như: Trần Đình Tùng, Nguyễn Xuân Dũng, Bảo Trai, Hạ Quốc Huy, Vĩnh Tung, Nguyễn Thành Vinh, Cao Xuân Minh Tú, Ngô Văn Quý, Ngô Văn Chuân, Hồ Văn Ngọc, Phan Văn Minh Ý, Hiromitsu Ishida, Edward Nguyễn, Tony Ngô, Henry Lâm, Thắng Nguyễn, Jennifer Nguyễn, Tanya Nguyễn, Michael Phạm, Bryan Quách, v.v… Nhiều võ sư xuất sắc của Trường phái Suzucho Karatedo đã khôi phục và phát triển với qui mô rộng lớn, họ đào tạo nhiều đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài Karatedo giành nhiều huy chương vàng, bạc ở các giải Khu vực, Châu lục và Thế giới. Để phát triển trên diện rộng phù hợp với giai đoạn đất nước hội nhập và phát triển, Trường phái Suzucho Karatedo hòa nhập với Karatedo hiện đại và Karatedo cổ truyền Nhật Bản, đã nhanh chóng chuẩn hóa kỹ thuật hài hòa với bốn lưu phái lớn là: Shotokan Ryu (Tùng Đào Quán Lưu), Wado Ryu (Hòa Đạo Lưu), Shito Ryu (Mịch Đông Lưu) và Okinawa Goju Ryu (Cương Nhu Lưu), khẳng định nét đặc trưng của Karatedo Việt Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển, Trường phái Suzucho Karatedo đã tiến hành Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ I vào tháng 12 năm 1994 tại TP. Hồ Chí Minh và đã qua mười lăm lần đại hội nhằm xây dựng và phát triển trường phái. Năm 2007 Trường phái Suzucho đã Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2007 – 2012) tại TP. Hồ Chí Minh, thống nhất 9 chương trình hành động cụ thể của nhiệm kỳ này với tinh thần đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, chủ động hội nhập và phát triển. Đại hội đã thông qua sửa đổi môn quy, quyết định hệ phái có tên gọi là Suzucho Karatedo Ryu (Linh Trường Không Thủ Đạo Phái), Tổ sư của Suzucho Karatedo Ryu là Choji Suzuki (Phan Văn Phúc), người lãnh đạo thứ hai của Suzucho Karatedo Ryu là Chưởng môn: Tokuo Suzuki (Phan Văn Minh Đức), Thư ký Chưởng môn: Võ sư Haruo Suzuki (Ngô Văn Quý), Trưởng tràng: Võ sư Lê Văn Thạnh. Ngày 10 tháng 6 năm 2012 Trường phái Suzucho Karatedo đã Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XV (nhiệm kỳ 2012 – 2017) tại TP. Huế. Mục tiêu của đại hội lần này là tích cực đẩy mạnh bồi dưỡng nâng cao kỹ, chiến thuật đặc trưng Suzucho Karatedo Ryu, tiếp tục đào tạo trọng tài, vận động viên xuất sắc đóng góp vào thành tích cho nền thể thao Việt Nam. Chánh Văn phòng Chưởng môn là Võ sư Haruo Suzuki (Ngô Văn Quý), Trưởng tràng là Võ sư Lê Văn Thạnh.
Năm 1975, Tổ sư Choji Suzuki chuyển giao công việc điều hành võ đường cho các học trò lớn của mình và vào sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 15 tháng 1 năm 1978 Thầy và gia đình hồi hương về Nhật Bản sống tại Thành phố Tagajo Shi, Tỉnh Miyagiken, Japan. Sau 34 năm lưu lạc ông trở thành người gieo hạt giống đầu tiên và bắc nhịp cầu nối giữa Karatedo Việt Nam và Karatedo quốc tế hiện đại. Tuy ở xa, ông vẫn lãnh đạo trường phái và làm cho Suzucho Karatedo ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Ước vọng của ông là về thăm quê hương Việt Nam một lần nhưng ngày 06 tháng 2 năm 1995 Tổ sư Choji Suzuki đã qua đời tại quê nhà Kasagami. Cuộc đời thanh bạch giản dị, tâm hồn tĩnh lặng như mặt nước hồ mùa thu và sáng chói như trăng rằm của thầy Chưởng tổ đã để lại một dấu ấn sâu sắc bởi tài năng và đạo đức. Ngày 30 tháng 8 năm 2013 Tổ mẫu Reiko Suzuki, nhũ danh Nguyễn Thị Minh Lệ đã qua đời tại Las Vegas, Nevada, Hoa Kỳ để lại trong lòng tất cả chúng ta một sự mất mát to lớn, một nỗi niềm thương tiếc vô hạn.
Trường phái Suzucho Karatedo có độ dày hoạt động trên năm mươi năm và nhất là Chưởng Tổ Choji Suzuki sống gắn bó hơn nửa cuộc đời mình với đất nước Việt Nam – Nơi có truyền thống văn hoá và lịch sử hào hùng nên hấp thụ nền văn hóa ở đây và ông xem Việt Nam là quê hương thứ hai. Đạo lý Suzucho Karatedo Ryu dựa trên lẽ sống cao thượng, tinh thần bình đẳng, công bằng và nhân ái, giúp người là giúp mình, mang tính nhân văn. Vì thế, trường phái này tại Việt Nam cũng như trên thế giới có lực lượng môn sinh luyện tập đông đảo nhất. Hiện nay có hàng vạn người tập luyện hằng ngày với năm khu vực của sáu mươi tư tỉnh, thành. Có hàng trăm Câu lạc bộ Suzucho Karatedo Ryu tại các trường đại học trong nước, đưa Karatedo Việt Nam đứng hàng đầu khu vực. Ngoài ra, trường phái còn có rất nhiều Phân đường, Câu lạc bộ ở các quốc gia khác như Australia, Nga, Hoa Kỳ, Canada và Đông Âu, v.v… được thành lập đã phát triển lớn mạnh. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, để các môn đồ có dịp ghé thăm dâng hương tưởng nhớ Tổ sư, Tổ mẫu. Tổ đường Trường phái Suzucho Karatedo được đặt tại: 43142 Continental Dr. Fremont CA. 94538, Hoa Kỳ. Đây là nơi thờ phụng, lưu giữ những hình ảnh, sách báo và kỷ vật lưu niệm về sự nghiệp của Tổ Sư Choji Suzuki. Để ghi nhớ tri ân Tổ sư, ngày 28 tháng 10 năm 2017, Đạo đường số 8-Võ Tánh, Tp. Huế – Chiếc nôi của Suzucho Karatedo Ryu, nay đã trở thành Nhà lưu niệm Suzucho Karatedo Việt Nam.
Thời gian qua, Karatedo Việt Nam đã gặt hái nhiều thành quả vẻ vang với rất nhiều huy chương vàng, bạc ở các giải Khu vực, Châu lục và Thế giới mang vinh quang về cho Tổ quốc. Bên cạnh đó, Suzucho Karatedo Ryu rất coi trọng việc giáo dục môn sinh phát triển dựa trên truyền thống đạo đức, lễ nghĩa, truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, truyền thống văn hay võ giỏi. Giáo dục lối sống lành mạnh, tính trung thực, tinh thần tự chủ và những phẩm chất ứng xử rõ ràng, mạnh mẽ, dứt khoát cũng là những tiêu chí trường phái muốn môn sinh rèn luyện, học tập định hướng tương lai. Noi theo những tấm gương sáng từ Tổ sư và các vị tiền bối, các môn sinh được giáo dục lòng thương người, phẩm chất đạo đức từ tuổi hoa niên. Để từ đó, họ không sống vô cảm, biết giúp đỡ người hoạn nạn, chia sẻ người có hoàn cảnh khó khăn, không sống vị kỷ, cá nhân hẹp hòi, tránh lối sống xa hoa, buông thả, suy thoái đạo đức. Các môn sinh có ý thức bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người cô thế, chia sẻ tạo điều kiện để người khác cùng tiến bộ như mình, phát tâm thiện nguyện làm công tác xã hội và sống vì mọi người. Hằng ngày môn sinh tự giác điều chỉnh, sửa chữa hoàn thiện chính mình để chiến thắng bản thân đúng theo Võ đạo. Nếu thiếu Võ đạo, thắng hoặc bại cũng chỉ là võ biền, háo danh cầu lợi. Nâng cao tri thức, trí đạo, tâm đức, ứng xử hài hòa trong cuộc sống và ý thức tự giác rèn luyện thể lực để góp phần củng cố sức khỏe cộng đồng chứ không xem Karatedo dưới góc độ đơn thuần là thể thao. Mục đích của sự tập luyện là để có một phong cách sống, từng bước hoàn thiện nhân cách, có một trạng thái tinh thần an nhiên tự tại, chẳng muốn ai biết ngoài bản thân và cũng chẳng muốn chứng tỏ. Sự nỗ lực tự rèn luyện mọi mặt của các môn sinh rất có tác dụng trong việc đổi mới và làm cho cuộc sống của bản thân thêm có ý nghĩa, có giá trị đích thực. Tổ chức Trường phái Suzucho Karatedo hoạt động theo truyền thống của cố Chưởng môn đời thứ nhất: Choji Suzuki, được sự bảo trợ của Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam. Chưởng môn bổ nhiệm Trưởng tràng thành lập Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các Ban Chuyên môn. Chưởng môn có thể bãi miễn nếu Trưởng tràng và Ban Chấp hành làm việc không hiệu quả. Ngày nay, Suzucho Karatedo Ryu đã phát triển rộng khắp trên thế giới và được coi là một trong những trường phái mạnh của các trường phái Karate. Hằng năm môn sinh của Tổ sư Choji Suzuki lấy ngày 10 tháng 6 làm ngày truyền thống của Trường phái.

TOKUO SUZUKI (PHAN VĂN MINH ĐỨC)

Chưởng môn Đời thứ II Trường phái Suzucho Karatedo

Chưởng môn Suzucho Karate-do đời thứ II Tokuo Suzuki
Chưởng môn Suzucho Karate-do đời thứ II Tokuo Suzuki

Chưởng môn đời thứ II Trường phái Suzucho Karatedo là Tokuo Suzuki (Phan Văn Minh Đức) sinh ngày 23 tháng 2 năm 1957 tại Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên, Việt Nam. Tokuo Suzuki là Trưởng nam của Tổ sư Choji Suzuki trong một gia đình có ba người con. Trưởng nữ là Michiko Suzuki (Phan Thị Ngọc Mỹ), Thứ nam là Eiji Suzuki (Phan Văn Minh Ý). Năm 1963: Ông được Tổ sư Choji Suzuki đích thân truyền dạy Karatedo và Judo tại Đạo đường Linh Trường Không Thủ Đạo số 8, Võ Tánh, Thành phố Huế.
Từ năm 1972: Ông là Huấn luyện viên các khoá Karatedo và Judo tại Đạo đường Linh Trường Không Thủ Đạo số 8, Võ Tánh, TP. Huế.
Ngày 15 -1-1978: Ông theo Tổ sư Choji Suzuki hồi hương về Nhật Bản sống tại Thành phố Tagajo Shi, Tỉnh Miyagiken, Japan và được Tổ sư thường xuyên truyền dạy Karatedo, Judo, Y học và khoa châm cứu gia truyền
Từ năm 1978 đến năm 1983: Ông theo học và tốt nghiệp Đại học Khoa ngoại ngữ tại Tagajo Shi, Miyagiken, Japan thuộc Bộ Văn hoá Giáo dục Nhật Bản.
Từ năm 1983 đến năm 1987: Ông tốt nghiệp Đại học Quản trị Kinh doanh ngành Thực phẩm Daimaru ở Yamagataken, Japan.
Từ năm 1986 đến năm 1996: Ông là Trưởng cửa hàng thuộc Công ty Thực phẩm Tokyu ở Sendai Shi, Miyagiken, Japan.
Năm 1996, ông là Phó Giám đốc Công ty Thực phẩm Tokyu ở Shendai Shi, Miyagiken, Japan. Năm 2002, ông là Chủ nhà hàng Đặc sản Việt Nam đầu tiên và duy nhất ở miền bắc Nhật Bản thuộc Thành phố Sendai, Tỉnh Miyagiken, Japan.
Từ năm 1995 đến nay: Võ sư Tokuo Suzuki là Chưởng môn Đời thứ II Trường phái Suzucho Karatedo.”

( Theo trang-nguồn Facebook Phan Chi )

SENSEI PHAN CHI
Huyền đai Đệ Lục đẳng
-Ủy viên Biên tập Văn Phòng Chưởng Môn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *